Công trình tải điện 500kV Bắc - Trung- Nam

Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng (điện xoay chiều) siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.488 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm.

Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng (điện xoay chiều) siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.488 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm. Mục tiêu xây dựng công trình là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ Miền Bắc (từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) để cung cấp cho Miền Nam và Miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ.

Công trình tải điện 500 kV Bắc – Trung – Nam là một mốc lịch sử quan trọng của sự phát triển ngành Điện lực Việt Nam, nó biểu hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trí sáng tạo, tinh thần quyết tâm lao động quên mình và trách nhiệm cao của đông đảo đội ngũ cán bộ phụ trách, kỹ sư và công nhân Việt Nam, trong đó phải nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ: Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh kinh tế xã hội khá phức tạp, nước ta vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất, ngành Điện lực phát triển không cân đối, miền Trung và miền Nam thiếu điện trầm trọng cho nhu cầu sản xuất và dân sinh. Dự án đường dây xuyên Việt 500 kV đã gây rất nhiều tranh luận từ các cấp lãnh đạo Nhà nước, các chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước đến dư luận xã hội vì những đặc thù có một không hai của nó.

Ngày 25/2/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng công trình hệ thống tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam. Con số rất đáng chú ý ở đây, chính là thời hạn 2 năm cho một dự án có quy mô và tầm quan trọng quá lớn đối với đất nước. Còn nhớ, ở thời điểm đó, phê duyệt Luận chứng kinh tế - Kỹ thuật của Quyết định táo bạo này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.

Bên cạnh niềm phấn khởi về sự phát triển vượt bậc của ngành điện, sự tăng trưởng về công ăn việc làm liên hệ trực tiếp và gián tiếp tới công trình, niềm hy vọng thoát khỏi cảnh thiếu điện là những mối hoài nghi về phương tiện kỹ thuật, sự mạo hiểm về thời gian và nguồn vốn… Công tác “hậu cần” cho việc xây đựng Đường dây 500kV Bắc Nam đã cơ bản lên khuôn. Ngày 5/4/1992 tại vị trí móng số 54, 852, 2702 và ngày 21/1/1993 tại Trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm đưa điện từ miền Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Đằng sau những vất vả, khó khăn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trực tiếp thi công còn có sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân ở các địa phương có đường dây đi qua. Một câu chuyện hết sức cảm động khác đó là khi thi công vượt sông Gianh, Bộ Năng lượng đưa phương án kéo dây vượt sông Gianh, nhưng nguyên tắc là dây dẫn không được tiếp nước. Lực lượng thi công đã đưa ra phương án kết nối mấy trăm cái phà để kéo dây qua sông.

Nhưng lấy phà ở đâu là một vấn đề? Được sự ủng hộ của bà con nhân dân xứ đạo Vân Phú, hơn hai trăm chiếc thuyền đã được huy động để kéo dây cáp vượt sông Gianh. Đó chính là sức mạnh tổng hợp của lòng dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tháng 5/1994, đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công trình 500kV Mạch 1 là công trình trọng điểm trong phát triển kinh tế đất nước, trong cả giai đoạn đầu và các giai đoạn về sau. Giải quyết tình trạng thừa điện miền Bắc, thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đường dây hữu hình 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam cũng chính là “sợi dây vô hình”, nhưng cũng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam - Bắc. Là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bằng và miền núi trên cả nước.

Nguồn: Gnob Yeager

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay