Những chi tiết về danh xưng Đại Việt

Năm 1558, sau khi được anh rể là Trịnh Kiểm chấp thuận lời xin, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa với tư cách một trong 13 viên trấn thủ của 13 xứ thừa tuyên (như trấn và tỉnh sau này) trải dài trên cả nước lúc bấy giờ.

Năm 1558, sau khi được anh rể là Trịnh Kiểm chấp thuận lời xin, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa với tư cách một trong 13 viên trấn thủ của 13 xứ thừa tuyên (như trấn và tỉnh sau này) trải dài trên cả nước lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó, Trấn Quận công Bùi Tá Hán (có tài liệu chép là Trấn Quốc công) đang làm Trấn thủ xứ Quảng Nam, danh phận ngang với Nguyễn Hoàng.

Phải 12 năm sau khi họ Bùi qua đời (1558-1570), Nguyễn Hoàng mới được Trịnh Kiểm cho kiêm nhiệm cả xứ Quảng Nam. Dù thế nào thì về mặt chính danh, đối với triều đình nhà Lê, Nguyễn Hoàng và con cháu ông, cho đến đời chúa Nguyễn cuối cùng, cũng chỉ là những quan chức trấn nhậm một vùng đất phía Nam, dưới sự lãnh đạo chung của triều đình nhà Lê.

Cũng về chính danh, cho đến cuối đời Lê (1788), danh phận các quan chức mà chính sử triều Nguyễn về sau gọi là “chúa Nguyễn” cũng không sánh được với các chúa Trịnh. Kể từ thời Bình An vương Trịnh Tùng trở đi (1599), các chúa Trịnh đều được phong tước vương theo kiểu cha truyền con nối, trong khi đó, các chúa Nguyễn chỉ được phong tước Quận công, nhiều lắm là Quốc công, chỉ ngang với hầu hết các quan Trấn thủ khác trong nước.

Bản thân các chúa Nguyễn trước thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, cũng tự xem mình như thế. Trong các văn thư, giấy tờ, họ chỉ xưng tước Thái phó Quốc công, chức Tổng trấn Tướng quân, không xưng vương, xưng chúa bao giờ (Đại Nam Thực Lục – quyển 1 – NXB Giáo Dục – Hà Nội 2002, trang 150).

Riêng năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quốc ấn có nội dung “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, và đây có lẽ là lần đầu tiên, từ chúa được chính thức ghi trong một quốc bảo. Song việc cũng chỉ có thế, Nguyễn Phúc Chu cũng chưa từng lên ngôi vương bao giờ. Mãi đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát mới lần đầu tiên chính thức xưng vương hiệu (Võ vương), đặt để các qui định theo lề lối của vương triều.

Song cho đến lúc đó, và mãi đến đầu triều Nguyễn (1802), các giấy tờ chính thức của các chúa Nguyễn vẫn sử dụng niên hiệu của vua Lê (Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng). Điều đó cho thấy rằng dẫu xưng vương, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát cũng chỉ xem mình là thần tử của vua Lê, trên danh nghĩa là hoàng đế, và chỉ tự xếp mình ngang hàng với chúa Trịnh mà thôi.

Với những thực tế lịch sử trên, đặc biệt với việc chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, có thể xác định trong suốt thời kỳ xung đột giữa quân triều đình và quân của các chúa Nguyễn, cả đất nước lúc bấy giờ chỉ có một danh xưng Đại Việt, không có quốc hiệu nào khác.. Các chúa Nguyễn sau này có mở rộng bờ cõi đến đất Hà Tiên thì cũng chỉ với tư cách những thần tử của nhà Lê mà thôi. Điều rõ ràng nhất là khi niên hiệu (của vua Lê) được sử dụng thống nhất trong cả nước thì quốc hiệu cũng là quốc hiệu chung của cả nước.

Nguồn: Lê Nguyễn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay