Phiên bản gốc kinh dị về chuyện công chúa lọ lem

Câu chuyện về nàng Lọ Lem có cái kết đẹp như mơ, sống hạnh phúc mãi mãi về sau với hoàng tử của nàng từng được hãng phim Disney khắc họa lên màn ảnh vào năm 1950.

Câu chuyện về nàng Lọ Lem có cái kết đẹp như mơ, sống hạnh phúc mãi mãi về sau với hoàng tử của nàng từng được hãng phim Disney khắc họa lên màn ảnh vào năm 1950. Đó là một bộ phim hoạt hình kinh điển gắn liền với tuổi thơ của bao người. Tuy nhiên chuyện cổ về Lọ Lem được lưu truyền trong dân gian lại không hường phấn, mơ mộng hay đẹp đẽ như chúng ta vẫn tưởng, thực ra thì truyện mang nhiều yếu tố kinh dị, rất đáng sợ. Phiên bản được coi là sớm nhất về Lọ Lem là câu chuyện của nàng Rhodopis do Strabo - một sử gia, nhà địa lý và triết gia Hy Lạp cổ đại ghi chép.

Chuyện kể rằng người con gái Rhodopis xinh đẹp sống vào thời Ai Cập cổ đại (khoảng thế kỷ thứ 7 trước CN) đang tắm bên bờ sông Nile thì chiếc dép của cô đã bị con đại bàng lấy cắp. Nó đã đưa chiếc dép đến thủ đô Memphis và thả lên đầu vua Psammetichus (con chim thật biết lựa chỗ để thả đó!). Thế rồi nhà vua rất yêu thích chiếc dép (ông vua có sở thích thật lạ) và sai người đi tìm chủ nhân của nó. Sau đó, quân lính đã tìm được chủ nhân của nó là nàng Rhodopis sống tại Naucratics và đem về hoàng cung để làm vợ vua (tự nhiên mất cái dép mà thành bà hoàng đúng số đỏ.

Từ đó về sau các phiên bản khác bắt đầu được lan truyền dần trong dân gian với điểm chung là cô gái nghèo được chàng trai nhà giàu, thường là kiểu hoàng tử hoặc vua yêu thương đem về làm vợ sau khi nhặt được chiếc hài mà nàng đánh rơi. Thế nhưng ngày xưa những câu chuyện cổ về Lọ Lem nổi tiếng nhất lại chứa đựng nhiều tình tiết rất rùng rợn. Phiên bản văn học đầu tiên về Lọ Lem (Cinderella) được cho là của Giambattista Basile, người đã đưa chuyện vào cuốn sách Pentamerone, xuất bản năm 1634.

Đây là một tác phẩm bao gồm những câu truyện cổ tích Ý được tác giả Giambattista Basile sáng tác hoặc sưu tầm và được đánh giá là không dành cho trẻ em. Lọ Lem trong Pentamerone có tên Zezolla, con gái của một vị công tước góa vợ. Sau khi mẹ qua đời thì Zezolla muốn cha kết hôn với nữ quản gia mà cô đã chọn nhưng ông ấy lại đem lòng yêu và cưới một người phụ nữ khác. Vì vậy Zezolla và nữ quản gia đã cùng nhau thực hiện âm mưu sát hại mẹ kế.

Zezolla đã lên kế hoạch nhờ mẹ kế của mình lấy quần áo trong hòm và khi mẹ kế cúi đầu xuống để lấy quần áo thì nàng ta đã đóng nắp rương lại thật mạnh để làm gãy cổ bà ta. Vụ việc này khiến bà mẹ kế chết thảm. Sau đó nữ quản gia đã thành công cưới cha Zezolla, tuy nhiên bà ta lại có đến sáu cô con gái và họ cùng nhau hành hạ, uy hiếp Zezolla. Thế rồi, Zezolla bị bắt làm người hầu trong nhà, bị gọi với cái tên “Cat Cendrillon”, nghĩa là “người ngủ trong đống tro”.

Khi cha của Zezolla đến Sardinia, ông mang về những món quà cho tất cả các cô con gái của mình. Zezolla nhận được hạt giống của cây chà là, nàng đã lấy hạt giống đem đi gieo trồng. Khi tới kỳ lễ hội của nhà vua, nàng tiên bên trong cái cây đã giúp Zezolla có bộ trang phục dạ hội đẹp nhất, thu hút sự chú ý của bao người. Tuy nhiên, Zezolla đã bỏ chạy trước khi nhà vua biết cô là ai, điều này cứ lặp lại ở đêm dạ hội tiếp theo cho đến khi nàng để quên một chiếc hài.

Sau đó, nhà vua ra lệnh tìm kiếm khắp vương quốc để tìm chủ nhân của chiếc hài và Zezolla được phát hiện rồi được vua đem về làm hoàng hậu. 60 năm sau, nhà văn người Pháp Charles Perrault viết lại câu chuyện dưới cái tên "Cendrillon" và thêm vào một vài chi tiết “quen thuộc” như: bà tiên đỡ đầu, cỗ xe bí ngô và chiếc hài làm bằng thủy tinh. Hãng Walt Disney đã dựa vào nội dung của Cendrillon để chuyển thể chuyện cổ thành phim hoạt hình với tác phẩm Cinderella.

Còn phiên bản kinh dị nổi tiếng nhất thuộc về hai anh em nhà Grimm. Năm 1812, hai tác giả người Đức là Jacob và Wilhelm Grimm đã xuất bản tuyển tập truyện dân gian và truyện cổ tích Grimm s Fairy Tales, bao gồm nhiều câu chuyện nổi tiếng được lưu truyền. Trong đó phiên bản về Lọ Lem được kể với nhiều tình tiết đáng sợ. Như trong đợt thử giày, hai bà chị kế của Lọ Lem đã c.ắ.t ngón chân, gót chân chỉ để vừa với chiếc giày.Tuy nhiên con chim của Lọ Lem đã mách cho hoàng tử biết và sau tất cả chủ nhân đích thực của chiếc giày đã lộ diện.

Hai bà chị cùng mẹ kế sau đó đã bị chim mổ mắt, nhận lấy cái kết đẫm máu. Một điều đặc biệt trong phiên bản này là người cha trong câu chuyện này vốn không phải là cha ruột của Lọ Lem mà cô là con riêng của người vợ đầu tiên của ông ta. Vì vậy mà người cha khá lạnh nhạt và làm ngơ trước việc Lọ Lem bị mẹ kế hành hạ. Chuyện cổ tích về Lọ Lem hiện nay đã lược bỏ hết những tình tiết rùng rợn trên để phù hợp với trẻ nhỏ, đề cao việc ở hiện gặp lành, cái ác sẽ bị trừng trị và phê phán sự phân chia giai cấp trong xã hội.

Tuy nhiên với nhiều người lớn đây là một câu chuyện đem đến cho trẻ em thời nay sự ảo tưởng về việc chỉ cần sống nhẫn nhịn, chịu đựng sự giày vò về thể chất lẫn tinh thần thì sẽ gặp được phép màu thay đổi cuộc sống. Nhiều người cho rằng Lọ Lem không có ý chí vươn lên, đấu tranh với hoàn cảnh khốn khổ của mình mà chỉ ưa mơ mộng và chờ đợi sự may mắn, gặp gỡ hoàng tử rồi đổi đời.

Nguồn: thevintagenews

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay