Số phận kho báu của triều Nguyễn (P3)

Gabriel Devéria là một trong những nhà Hán học hàng đầu ở Pháp lúc bấy giờ. Ông ta sinh tại Paris năm 1844, là con của Achille Devéria, một họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng

Gabriel Devéria là một trong những nhà Hán học hàng đầu ở Pháp lúc bấy giờ. Ông ta sinh tại Paris năm 1844, là con của Achille Devéria, một họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng, đồng thời cũng là cháu của Eugène Devéria, một họa sĩ còn nổi tiếng hơn nữa. Từ tháng 2.1860, Gabriel Devéria được cử làm thông ngôn ở nhiều nơi, cuối cùng ở Công sứ quán Pháp tại Bắc kinh vào năm 1873. Năm 1880, Devéria trở về Pháp và làm thông ngôn tại Bộ Ngoại giao từ năm 1882. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp lúc bấy giờ là Freycinet từng có lần phụ trách lãnh vực bảo hộ tại bộ nên rất quan tâm đến phần kho báu triều Nguyễn vừa được đưa về Paris.

Ngày 12.11.1886, Freycinet gửi cho Giám đốc Nha Tiền tệ - Bộ Tài chánh Jean-Louis Ruau một công văn yêu cầu sớm thông báo con số chính xác trị giá của số của cải trong kho báu triều Nguyễn đang do ông này quản lý. Sự việc trở nên căng thẳng hơn vào ngày 3.12.1886, khi Giám đốc Nha Tiền tệ nhận ba văn thư do một viên chức Bộ Ngoại giao là De Lalande gửi đến, yêu cầu ông ta cung cấp tài liệu nghiên cứu sơ khởi cùng bảng xếp hạng các thỏi vàng bạc trong kho báu. Cuối cùng thì nhân vật chủ chốt cũng xuất hiện. Đó là Anatole Chabouillet (1814-1889), Giám đốc Sở Huy chương của Thư viện Quốc gia Pháp.

Ông này xuất thân từ một gia đình trí thức và nghệ sĩ, thường đi lại với các nhân vật nổi tiếng đương thời như nhà viết kịch Mérimée, nhà thơ Alfred de Musset, họa sĩ Delacroix, văn sĩ Gustave Flaubert, công chúa Mathilde … Ngày 9.12.1886, Chabouillet gửi cho Giám đốc Nha Tiền tệ một văn thư đề nghị Nha này chuyển cho Văn phòng huy chương của Thư viện Quốc gia một số thỏi vàng, bạc và tiền đồng từ kho báu triều Nguyễn. Dòm ngó kho báu triều Nguyễn lần này là ba bộ: Ngoại giao, Tài chánh và Giáo dục & Mỹ thuật. Trước sức ép của những cơ quan này, ngày 16.12.1886, Jean-Louis Ruau yêu cầu Giám đốc phụ trách việc sản xuất thử tiền tệ công bố cấu tạo về mặt kim loại và lượng kim loại thuần chất trong các thỏi vàng bạc thuộc kho báu triều Nguyễn.

Các thỏi vàng và tiền trong kho báu triều Nguyễn - Ảnh F. Thierry.

Lần đầu tiên người ta đã nấu chảy một khối lượng vàng nặng 7,396 kg và đến ngày 27.12, kết quả phân tích đã được chuyển đến viên Giám đốc Nha Tiền tệ, theo đó độ thuần chất của bạc là 99,078%, song với vàng thì tỉ lệ này khá thay đổi, tùy vào các mẩu khác nhau. Ngày 12.1.1887, theo đề xuất của chuyên viên Hán học Devéria, Giám đốc Nha Tiền tệ Ruau gửi đến tân Bộ trưởng Tài chánh Albert Dauphin một bản tường trình về giá trị của phần kho báu triều Nguyễn đã được mang về Pháp, trong đó trị giá của vàng là 3.934.892,54 franc; trị giá của bạc là 2.493.051,18 franc (François Thierry – Le trésor de Huê – sđd).

Với số quí kim khổng lồ này, người Pháp tính đến nhiều hướng khác nhau: bán đấu giá cho các nhà sưu tập với giá cao hơn giá của riêng chất kim loại; lưu giữ một số bằng chứng lịch sử đã qua; nấu chảy để đúc thành những đồng tiền đang lưu hành trên đất Pháp; và bảo quản tại Bảo tàng Tiền tệ Pháp. Một tháng sau khi nhận được báo cáo của Ruau, tân Bộ trưởng Tài chánh Dauphin gửi cho viên Giám đốc Nha Tiền tệ một văn thư lưu ý việc sớm nấu chảy phần lớn số vàng bạc, mặt khác, chưa đến lúc tổ chức việc bán đấu giá số quí kim còn lại. Trong khoảng thời gian từ 24.5 đến 2.7.1887, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chánh đã nấu chảy để tinh luyện phần lớn kho báu triều Nguyễn.

Ngày 8.10.1887, Nha Tiền tệ nhận được chỉ thị của Bộ Tài chánh chuyển các thỏi vàng bạc thành những đồng tiền có mệnh giá 20 franc và có giá trị chuyển nhượng trên thị trường. Số vàng đã tinh luyện nặng 1.098,657 kg; số bạc nặng 14.686, 764 kg (F. Thierry – Le trésor de Hue – sđd). Sau khi hầu hết khối lượng vàng bạc trong kho báu triều Nguyễn đã biến thành những đồng tiền lưu hành trên thị trường, người ta tính đến việc xử lý số còn lại. Trong số những cơ quan được lưu giữ một phần, có Thư viện Quốc gia Pháp. Ngày 28.5.1888, Quản thủ cơ quan này là Léopold Delisle gửi cho Ruau một văn thư xin chuyển cho một số bảo vật để lưu giữ làm hiện vật lịch sử.

Song việc tranh thủ quyền sở hữu và lưu giữ bảo vật triều Nguyễn phải chờ đến năm 1900 mới được giải quyết rốt ráo. Ngày 2.4.1900, theo đề nghị của Giám đốc Nha Tiền tệ mới là François-Auguste Arnauné, phần còn lại của kho báu triều Nguyễn được tạm thời giao cho viên quản thủ Bảo tàng Tiền tệ lưu giữ. Từ đó, chúng trở thành một trong những chứng tích của chế độ thực dân tại một đất nước châu Á. Như đã trình bày ở một bài trước, sau khi không có dấu hiệu gì cho thấy vua Hàm Nghi sẽ quay trở về Huế, được sự chấp thuận từ chính quốc, tướng De Courcy đã chia kho báu triều Nguyễn làm hai phần, một phần mang về Pháp, một phần để lại, đặt dưới sự quản lý của triều đình Huế.

Tuy nhiên, phải 6 tháng sau, phần còn lại của kho báu mới được Tổng Trú sứ Paul Bert bàn giao cho triều đình Huế dưới quyền vua Đồng Khánh. Song, trong lúc người Pháp có những dữ liệu cụ thể về tình trạng của phân nửa kho báu đưa về Pháp thì họ không nắm được tình hình của phân nửa còn lại ở Huế,. Và cũng theo François Thierry, tác giả của Le trésor de Hue, phần kho báu này biến mất trong vòng 20 năm. Chữ “biến mất” có thể hiểu là nó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, khi vua Đồng Khánh và các vua tiếp theo có toàn quyền quản lý và sử dụng nó. Theo nhận định của nhiều tác giả Pháp vào thời kỳ này, vua Đồng Khánh là người “dễ khiến” (docile) và hay âu lo.

Và đây cũng là thời kỳ khởi đầu cho chính sách thuộc địa hóa toàn diện của Pháp tại ba nước Đông Dương. Pháp bắt đầu tê liệt hóa guồng máy hành thâu thuế của triều đình, buộc vua quan nhà Nguyễn phải sống dựa vào những khoản chu cấp của chính quyền bảo hộ tại Bắc kỳ. Quyền hành của triều đình Huế ngày càng bị giới hạn, từ thời Tổng Trú sứ Paul Bert đến Toàn quyền Đông Dương Constans và đạt đến mức tối đa với Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902). Tuy nhiên, bên cạnh phần kho báu mà thực dân Pháp đã giao trả lại cho phía Việt Nam, và phần tiền cung cấp thường xuyên từ ngân sách của chính quyền thuộc địa, thực dân Pháp còn ghi nhận được những phát hiện mới về một số của cải đã được chôn giấu từ nhiều thập niên trước.

Sau cái chết của vua Đồng Khánh vào ngày 28.1.1889, Tổng Trú sứ Trung và Bắc kỳ Paul Rheinart đã có dịp vào trong cung cấm, quan sát nhiều nơi và được biết là trong thời gian tại vị, nhà vua đã phát hiện và lấy sạch số vàng được chôn giấu ở ít nhất ba nơi. Rheinart xác định còn nhìn thấy 3 tấm đá lát có từ thời vua Minh Mạng và ước lượng mỗi nơi chôn giấu 100 ngàn lạng bạc. Hơn 10 năm sau – 1899 – dưới thời vua Thành Thái, người ta còn phát hiện thêm 4 nơi chôn giấu vàng bạc tương tự, mỗi nơi chứa 10 ngàn thỏi, mỗi thỏi bằng 10 lạng bạc. Tính chung, ngoài kho báu đã được chia đôi (Việt và Pháp) vào năm 1885, số vàng bạc tìm thấy về sau ước tính lên đến 300 ngàn lạng bạc, khoảng 11 tấn (F.Thierry – Le trésor de Huê).

Cái chết của vua Đồng Khánh kéo theo những vụ cướp phá mới, dẫn đến việc thực dân Pháp xen hẳn vào việc quản lý tài sản của triều đình. Ngay khi nhà vua vừa nằm xuống, cửa cung điện bị phá, khoảng hơn 120 phụ nữ phục vụ trong cung đình mang nhiều rương của cải ra khỏi hoàng thành. Bà Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ đã bị mù, bà Hoàng thái phi Trang Ý bất lực trước cảnh tượng cướp phá đang diễn ra. Mãi đến 3 ngày sau, Hội đồng Phụ chánh và các quan chức Pháp mới can thiệp và chấm dứt được nạn cướp phá. Trong tập nhật ký của mình, Tổng Trú sứ Rheinart kể rằng ông ta đã đề nghị bà Từ Dụ cho bắt giữ hết tất cả phụ nữ trong cung điện “cho đến khi tìm lại được mọi thứ”, vì “ người ta tìm thấy dấu vết của sự cướp phá trên từng bước chân”.

Sự tổn thất của kho báu sau cái chết của vua Đồng Khánh là không kể xiết, ở Duyệt thị đường (nhà hát cung đình), người ta tìm thấy hai rương lớn chứa vàng bạc, sau đó là những đồ trang sức, kim cương, đá quý, huy chương Kim khánh bội tinh đính kim cương và đá quý của vua Đồng Khánh. Sự giàu có của nhà vua không dừng lại ở đó, người ta còn tìm thấy 450 ngàn đồng bạc cất giấu ở 4 nơi trong cung điện. Cuối năm 1898, vua Thành Thái đưa ra một quyết định táo bạo: đổi kho dự trữ bằng bạc của triều đình ra đồng bảng Anh! Người ta đã bán ra 70 ngàn thỏi bạc, tính chung nặng khoảng 27 tấn.

Vua Đồng Khánh (1864-1889).

Việc chuyển đổi thực hiện qua trung gian của Ngân hàng Đông Dương, thông qua chính quyền thuộc địa. Ngân hàng này chọn đồng bảng Anh làm tại Úc với khoản lợi lớn hơn so với những đồng bảng mua tại Pháp. Các thỏi vàng còn lại được làm ra những đồng tiền và huy chương mang niên hiệu Thành Thái (F.Thierry – Le trésor de Huê). Tháng 8.1899, trong nhiều ngày liên tiếp, người ta lại khám phá trong cung điện thêm 3 hầm bạc, mỗi hầm chứa gần 10 ngàn nén, tức gần 100 ngàn lạng, tất cả được chôn giấu trong 2 năm 1833 và 1835 dưới thời vua Minh Mạng. Việc tìm kiếm kết thúc vào ngày 12.9.1899.

Sang thế kỷ XX, hai sự kiện liên quan đến câu nói: “Bỏ vua không Khả, đào mả không Bài” được nhiều người nhắc đến. Vế sau của câu nói ám chỉ việc Khâm sứ Pháp Mahé cho đào tìm kho báu trong phạm vi Khiêm lăng (lăng của vua Tự Đức) vào khoảng đầu năm 1913, kết quả không tìm thấy gì. Theo bộ Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỷ phụ biên, vào tháng 7 âm lịch 1915, giữa lúc thi công ống nước trong đại nội, người ta đã chạm phải hầm bạc. Đào xuống hầm, họ lấy lên được 60 rương gỗ chứa 10 ngàn thỏi bạc cùng một số tiền đồng. Nhân sự kiện này, viên Khâm sứ Charles đề nghị trích 20 ngàn đồng trong số bạc trên cùng 50 ngàn đồng lấy từ công quỹ để mua trái phiếu quân dụng do Pháp phát hành.

Hầu đóng góp vào chi phí chiến tranh mà chính quốc đang trải qua trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918) (Sđd – NXB Văn hóa Văn nghệ - trang 692-693) . Đó là những tình tiết cuối cùng về kho báu triều Nguyễn trước khi kết thúc triều Duy Tân năm 1916.

Nguồn: Lê Nguyễn

Bài viết liên quan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay