Tìm hiểu về cách gọi Đàng Trong và Đàng Ngoài

Trong chính sử, dù là của Đại Việt Sử ký Toàn thư thuộc nhà Lê, hay của Đại Nam Thực lục thuộc nhà Nguyễn, ta không đọc thấy hai cụm từ “Đàng Trong” và “Đàng Ngoài”.

Trong chính sử, dù là của Đại Việt Sử ký Toàn thư thuộc nhà Lê, hay của Đại Nam Thực lục thuộc nhà Nguyễn, ta không đọc thấy hai cụm từ “Đàng Trong” và “Đàng Ngoài”. Được biết từ “Đàng Ngoài” xuất hiện lần đầu tiên trong quyển Từ điển Việt Bồ La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes ấn hành năm 1651.

Cũng có thể hai từ này đã xuất hiện trong hai quyển từ điển Việt-Bồ- La của giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Bồ-Việt của giáo sĩ Antonio Barbosa ra đời vào đầu thập niên 1630, mà de Rhodes đã dựa một phần vào đó để soạn thảo quyển từ điển của ông, song vì hai quyển từ điển trên đã không còn dấu vết nên tạm thời xem hai từ “Đàng Ngoài” xuất hiện lần đầu trong quyển từ điển của de Rhodes.

Tuy nhiên, hai từ này đã được de Rhodes định nghĩa khác với cách hiểu của các nhà viết sử vào các thế kỷ 19-20 và chúng ta ngày nay. Từ Đàng Ngoài do de Rhodes định nghĩa đã được tổ phiên dịch của Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM dịch như sau: “ĐÀNG NGOÀI: 4 tỉnh chung quanh thủ đô Đông Kinh. Đàng tlao (sic): Những tỉnh còn lại từ nước Đông kinh cho tới vương quốc Champa. Đàng tlên: Những tỉnh ở rừng núi (NXB Khoa học Xã hội 1991- phần 2, trang 83).

Trong từ điển của de Rhodes, từ tl đọc là tr, ví dụ tle là “tre”, như vậy, có thể tạm hiểu “Đàng tlao” là “Đàng Trong” chăng? cũng như “Đàng Tlên” là “Đàng Trên”, nhằm chỉ các địa phương thuộc Tây nguyên ngày nay. Từ “tỉnh”, tổ phiên dịch đã dịch từ chữ “Prouincias” trong bản gốc từ điển của de Rhodes (Sđd, phần I, trang 201), chứ trên thực tế, từ này chỉ xuất hiện lần đầu vào đầu thập niên 1830, dưới thời vua Minh Mạng. Mặt khác, Đàng Ngoài trong từ điển của de Rhodes chỉ gồm có 4 “tỉnh”, tạm hiểu là 4 xứ, trong khi theo cách hiểu về sau, Đàng Ngoài bao gồm đến 11 xứ phía Bắc.

Vì thế, dù hiểu thế nào thì định nghĩa chữ “Đàng Ngoài” của Alexandre de Rhodes cũng khác xa với cách hiểu và sử dụng hai cụm từ “”Đàng Ngoài” và “Đàng Trong” sau ông, nhằm chỉ hai vùng đất rộng lớn nằm hai bên con sông Gianh ở Quảng Bình. Như vậy, hầu như chưa có cơ sở rõ ràng để khẳng định rằng hai cụm từ trên xuất hiện lần đầu tiên vào thời điểm nào, do ai đặt ra trong lịch sử Việt Nam.

Nếu cần suy diễn thì có thể suy diễn rằng trong ngôn ngữ hay trong cách viết của các nhà chép sử từ các thế kỷ 19-20, người ta đã từ cụm từ Đàng Ngoài xuất hiện lần đầu tiên năm 1651, trong từ điển của de Rhodes, để đặt ra cách gọi cho hai vùng đất của hai thế lực đang xung đột với nhau vào các thế kỷ 17-18 cho dễ hiểu.

Mặt khác, khi viết về lịch sử thời kỳ phân tranh, các cây bút phương Tây (thương nhân, giáo sĩ, nhà nghiên cứu) đã dùng từ “Tonkin” để chỉ vùng đất phía Bắc sông Gianh do triều đình Lê-Trịnh kiểm soát và từ “Cochinchine” để chỉ vùng đất phía Nam sông Gianh do các chúa Nguyễn nắm giữ, và dựa vào đó mà các nhà viết sử người Việt về sau đã dịch thành hai cụm từ Đàng Ngoài và Đàng Trong chăng? Hi vọng các bạn yêu sử hay các nhà nghiên cứu tìm ra được một chứng cứ nào rõ ràng hơn về nguồn gốc hai cụm từ này.

Nguồn: Lê Nguyễn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay